XIN BẠN NGHE TÔI VÀ NÓI CHO NGƯỜI KHÁC NGHE

TÔI KHÔNG CÓ CAO VỌNG MONG BẠN LÀM GÌ HƠN LÀ NGHE TÔI NỐI VÀ NẾU CÓ THỂ, NÓI LẠI CHO NGƯỜI KHÁC NGHE.

Saturday, November 17, 2012


Chưa từng có


    Cuối tháng 10 vừa qua, Quốc Hội Việt Nam thảo luận nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc Hội và Ủy ban nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

    Theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, mục tiêu của việc bỏ phiếu tín nhiệm là “nhằm bổ sung căn cứ để thực hiện công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc. Khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức, kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo, quản lý những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ”.

    Đối tượng được đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc Hội bao gồm: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng, các phó thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.

    Bên cạnh Quốc Hội, Hội đồng nhân dân ở các địa phương cũng sẽ thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch, uỷ viên thường trực hội đồng nhân dân, trưởng các ban của hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên của ủy ban nhân dân.

    Đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đang được thảo luận. Có người đề nghị đổi cái tên “bỏ phiếu tín nhiệm” bằng “bỏ phiếu bất tín nhiệm”. Có người chủ trương việc bỏ phiếu tín nhiệm/bất tín nhiệm nên tổ chức hằng năm; người khác lại đề nghị chỉ thực hiện hai lần trong mỗi nhiệm kỳ. Có người đề nghị chia phiếu thành bốn loại, gồm “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “chưa có ý kiến”; người khác lại đề nghị chỉ nên có hai loại phiếu: tín nhiệm hay không tín nhiệm.

    Chưa biết cuối cùng, nội dung chính thức của nghị quyết sẽ như thế nào. Chỉ biết được hai điều. Một, dự kiến nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2013. Hai, dù chưa biết nội dung cụ thể và cũng chưa biết chắc hiệu quả của các nghị quyết ấy, một số người trong giới lãnh đạo Việt Nam đã khoe khoang om sòm về “tính cách mạng” của nó. Đáng chú ý nhất là phát biểu của ông Phạm Quang Nghị, bí thư Thành ủy Hà Nội và là một trong 14 ủy viên Bộ chính trị:

    Mới mẻ
    Đây là việc vô cùng mới mẻ, nếu chúng ta làm được thì đây là mô hình đánh giá cán bộ rất hiếm có trên thế giới. Nhiều nước cũng có biện pháp đánh giá sự tín nhiệm đối với chính phủ và người đứng đầu chính phủ, nhưng đánh giá tất cả thành viên chính phủ, đánh giá cả chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; chủ tịch, phó chủ tịch quốc hội và tất cả những người đứng đầu cơ quan lập pháp thì phải nói là trên thế giới chưa hề có. (ĐB Phạm Quang Nghị)
    Ông Phạm Quang Nghị mở đầu bằng cách cho việc đánh giá giới lãnh đạo mà Việt Nam đang muốn làm là một mô hình “rất hiếm có trên thế giới”, rồi ngay sau đó, nhấn mạnh thêm: “chưa từng có”.

    Ở đây, nảy ra hai câu hỏi: Thứ nhất, có thực như vậy không? Và thứ hai, nếu thực, điều đó có thực sự cần thiết hay không?

    Với câu hỏi thứ nhất, xin lưu ý là ở tất cả các quốc gia dân chủ, việc đánh giá chính phủ cũng như người đứng đầu chính phủ là điều người ta làm thường xuyên, ba hay bốn năm một lần, qua các cuộc bầu cử. Trong các cuộc bầu cử ấy, dân chúng sẽ đánh giá lại toàn bộ các thành tựu của người (hoặc đảng) lãnh đạo trong suốt nhiệm kỳ vừa qua và sẽ quyết định, bằng lá phiếu của mình, cho phép người ấy hoặc đảng ấy tiếp tục cầm quyền hoặc thay thế bằng người và đảng khác. Các cuộc bầu cử đều được tổ chức một cách công khai, công bằng, tự do và minh bạch; ở đó, mọi người đều có quyền phanh phui tất cả những dối trá hay ỡm ờ của nhau để cho công luận được biết và dân chúng được quyết định.

    Hơn nữa, nên lưu ý, ở các nước dân chủ, không phải chỉ có dân chúng mới đánh giá giới lãnh đạo và chỉ đánh giá qua các cuộc bầu cử. Trong các trường hợp đặc biệt, Quốc Hội cũng có thể đứng ra đàn hặc (impeachment) tổng thống, phó tổng thống và tất cả các nhà lãnh đạo quan trọng khác, kể cả các chánh án thuộc tòa án tối cao. Ở Mỹ, từ năm 1789 đến nay, Quốc Hội đã tiến hành 64 vụ đàn hặc như vậy. Trong đó có ba cuộc đàn hặc nhắm trực tiếp vào tổng thống. Thứ nhất Tổng thống Andrew Johnson vào năm 1868 vì tội vi hiến trong việc phủ quyết đạo luật về Quyền Dân sự. Thứ hai là Tổng thống Richard Nixon vào năm 1974 vì vụ Watergate. Có điều, biết chắc chắn mình sẽ thua, Nixon tuyên bố từ chức trước khi vụ đàn hặc chính thức bắt đầu. Năm 1998, Tổng thống Bill Clinton trở thành vị tổng thống thứ ba bị mang ra đàn hặc trước Quốc Hội. May, cũng giống như Tổng thống Andrew Johnson hơn một trăm năm trước đó, số phiếu chống ông chưa tới 2/3 nên ông được thoát.

    Như vậy, không thể nói trên thế giới chưa từng có hiện tượng Quốc Hội đánh giá và quyết định số phận của giới lãnh đạo.

    Đó là chưa kể, ở Việt Nam, từ việc bầu cử Quốc Hội đến việc bỏ phiếu tín nhiệm/bất tín nhiệm như vậy chỉ là những màn kịch giả dối. Ừ, thì Việt Nam cũng bầu cử Quốc Hội. Tuy nhiên, ở đây lại có mấy điều. Một, muốn ứng cử thì phải được Mặt trận Tổ Quốc, tổ chức ngoại vi của đảng, giới thiệu. Hai, việc kiểm tra phiếu bầu không bao giờ được bảo đảm về tính minh bạch và công bằng cả. Ba, hầu hết đại biểu Quốc Hội là đảng viên. Là đảng viên thì phải theo chỉ thị của đảng. Thành ra, cho đến nay, Quốc Hội chả làm được gì ngoài một thứ công cụ cho đảng sai khiến. Sau này, khi nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hành, liệu có đại biểu-đảng viên nào dám chống lại mệnh lệnh của đảng hay không?

    Về câu hỏi thứ hai, liệu người ta có cần phải bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm các chức vụ như Bộ trưởng, Thứ trưởng, v.v. hay không? Xin lưu ý là: nếu một vị Bộ trưởng hay Thứ trưởng hay bất cứ một công chức cao cấp nào đó trong chính phủ phạm sai lầm hay bất lực thì tội không phải chỉ thuộc về họ mà còn thuộc cả người lãnh đạo cao nhất trong chính phủ ấy nữa. Một trong những yêu cầu và là trách nhiệm lớn nhất của người lãnh đạo chính phủ là phải biết phát hiện ra nhân tài và biết bổ nhiệm đúng người vào đúng việc. Bởi vậy, thượng cấp phải chia sẻ trách nhiệm với thuộc cấp về những sai lầm mà họ phạm phải, nhất là những sai lầm do bất lực. Tháng 8 năm 2005, khi FEMA, Cơ quan chuyên trách việc đối phó với tình trạng khẩn cấp thuộc liên bang Mỹ, phản ứng chậm chạp trước cơn bão Katrina ở vùng New Orleans, Louisiana, người bị dư luận lên án không phải chỉ là Michael Brown, giám đốc cơ quan ấy mà còn cả Tổng thống George W. Bush, người bổ nhiệm Brown vào chức vụ ấy nữa.

    Ở Việt Nam, trong mấy năm vừa qua, trước sự sụp đổ của các tập đoàn kinh tế nhà nước, người ta chỉ tập trung phê phán các giám đốc hay tổng giám đốc mà lại làm ngơ trước trách nhiệm của Bộ trưởng liên hệ và của chính Thủ tướng, người ký quyết định bổ nhiệm những người ấy. Ở đây, Thủ tướng mắc đến ba lỗi: Một, đưa ra một chính sách đầy tham vọng nhưng vượt ra ngoài khả năng của mình (thành lập các tập đoàn kinh tế); hai, chọn không đúng người nắm giữ các tập đoàn ấy; và ba, không kiểm soát để phát hiện ra sớm những hành vi sai trái của họ để đến khi các hành vi sai trái ấy gây nên những tác hại nghiêm trọng, ai cũng thấy, thì Thủ tướng mới ra tay. Đó là chúng ta chưa kể đến một lỗi khác có thể có: dính líu đến các việc chia ghế, từ đó, chia tiền.

    Ngày xưa, Việt Nam tự hào “ra ngõ cũng gặp anh hùng”. Bây giờ khi ra ngõ là gặp toàn ăn cắp và ăn cướp, người ta lại tự hào về những điều mà người ta hoang tưởng là trên thế giới “chưa từng có”.

    Chán.

    Về đoạn hỏi, đáp của Đại biểu Dương Trung Quốc và Thủ tướng tại Quốc hội

    Nguyễn Nghĩa650  - Thủ tướng là "cây tùng, cây bách" do đảng ươm mầm. Tương lai, con trai Thủ tướng, hiện là thứ trưởng, cũng trở thành "cây tùng, cây bách" như Thủ tướng. Thủ tướng vẫn là Thủ tướng: “Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua." Còn ông Dương Trung Quốc vẫn là ĐBQH...

    *

    Tuần qua, có từ khóa làm xôn xao dư luận Việt Nam. Đấy là nhóm từ "văn hóa từ chức" do ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tung ra, khi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc hội VN, họp ngày 14/11/2012.

    Đoạn quan trọng nhất của câu hỏi cho ĐBQH Dương Trung Quốc nguyên văn như sau:

    “… Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật chứ không phải chỉ là lời xin lỗi. 

    Phải chăng thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện lòng quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu của chính phủ, hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi, thay bằng tập quán phù hợp với một xã hội hiện đại – là văn hóa từ chức với một lộ trình là các quan chức của ta làm được cái điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm. 

    Xin nhắc lại rằng, xa xưa các cụ nhà ta cũng coi việc cáo quan hồi hương là một cách giữ tiết tháo. Còn đảng ta cũng đã từng có một vị tổng bí thư, người có công lớn trong Cách mạng tháng 8 năm 45′, sau khi nhận trách nhiệm chính trị về những sai lầm trong Cải cách ruộng đất 1956, đã từ chức và tiếp tục phấn đấu, để rồi 3 thập kỷ sau trở lại với cương vị tổng bí thư, kịp góp phần khởi động công cuộc “Đổi mới”, trước khi từ trần. 

    Kính thưa thủ tướng, tóm lại xin có hai câu hỏi. 

    Một, thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng, mình đã nặng trách nhiệm với đảng, mà nhẹ trách nhiệm với dân? 

    Hai, thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức, để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không? (hết trích). 

    Chỉ ít phút sau câu hỏi của ĐBQH Dương Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời ngay lập tức, rất suôn sẻ, như có tập dượt trước:

    “...Đối với tôi đó thì, hôm nay còn 3 ngày nữa là tròn 51 năm tôi theo Đảng hoạt động cách mạng, chịu sự lãnh đạo quản lý trực tiếp của Đảng trong 51 năm qua đó tôi không có xin với Đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác. 

    Và mặt khác thì tôi cũng không có từ chối, không có thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước giao phó cho tôi. 

    Là một cán bộ đảng viên của Đảng thì cũng báo cáo Quốc hội là tôi cũng có nghiêm túc báo cáo đầy đủ với Đảng về bản thân mình, báo cáo với Bộ Chính trị, báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương một cách nghiêm túc, đầy đủ về bản thân mình. 

    Và Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã hiểu rõ về tôi cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về phẩm chất đạo đức, cả về năng lực, khả năng, cả về sức khỏe thương tật, cả về tâm tư nguyện vọng của tôi. 

    Và Đảng đã lãnh đạo, quản lý trực tiếp tôi, hiểu rất rõ về tôi. Và Đảng ta cũng là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Trung ương phân công. 

    Và Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương đảng, của Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất đối với tôi. 

    Tóm lại là có thể nói là gần suốt cả cuộc đời tôi đi theo Đảng hoạt động cách mạng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp quản lý của Đảng, tôi cũng không có chạy, tôi cũng không có xin và tôi cũng không có thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước quyết định phân công, giao phó cho tôi. 

    Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua.” (hết trích) 

    Bài viết này, tôi muốn làm rõ hơn bản chất của đoạn đối thoại nổi tiếng trên. 

    1. Những bất cập của ý kiến về "văn hóa từ chức" của Dương Trung Quốc. 

    1.1 - Ông Dương Trung Quốc không nói rõ ra rằng trong ý kiến của ông, các nước tiên tiến có văn hóa từ chức là những nước nào? Ông nói:

    "...văn hóa từ chức với một lộ trình là các quan chức của ta làm được cái điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm."

    Theo tôi hiểu, thì ông muốn nói đến các nước dân chủ trên thế giới hôm nay.

    Nếu vậy thì đúng như ông nhận xét là các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Thụy Điển, Na Uy,... là những nước dân chủ có "văn hóa từ chức".

    Ở những nước này, khi 1 lãnh đạo để trong bộ phận mình lãnh đạo xảy ra những sự kiện bị dư luận xã hội lên án hay những khiếm khuyết trong điều hành gây tổn hại lớn cho xã hội... thì việc từ chức là hiện tượng chúng ta thường được truyền thông loan tải, thông báo.

    Thực chất của hiện tượng này là phía sau, có sức ép của 1 điều luật. Điều luật này rất khắt khe với các công chức lãnh đạo, với chính trị gia, với quân nhân... và 1 điều luật không qui bản là: nếu họ đã phạm khuyết điểm mà không tự nguyện từ chức sẽ bị truy tố trước pháp luật. 

    Trường hợp từ chức của Tổng thống Hoa Kỳ Nixon là 1 ví dụ điển hình. Theo điều khoản 4 Hiến pháp Hoa Kỳ: “Tổng thống, Phó Tổng thống và các quan chức dân sự của Hợp chúng quốc sẽ bị cách chức khi bị buộc tội phản quốc, tội nhận hối lộ, hoặc những tội nghiêm trọng khác.” 

    Ông Dương Trung Quốc đã lấy hiện tượng từ chức có văn hóa của các nước dân chủ tiên tiến đòi Thủ tướng cộng sản VN phải dùng nó làm gương để bắt đầu "thể hiện lòng quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu của chính phủ, hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi, thay bằng tập quán phù hợp với một xã hội hiện đại – là văn hóa từ chức" là ông đã không hiểu được tình hình chính trị Việt Nam. 

    Việt Nam là nước đảng trị, do ĐCS VN toàn trị. 

    Việt Nam không thèm học các nước tư bản giãy chết. 

    Nếu phải học, thì VN chỉ tin cậy và học Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba... mà thôi. 

    Mà ở TQ, Cu Ba,... hiện tượng cha truyền, con nối,... bám đến cùng chức vụ là truyền thống của các chế độ cộng sản này. 

    1.2 - Ông Dương Trung Quốc có nói đến việc từ quan giữ tiết tháo của "các cụ nhà ta" trong lịch sử Việt Nam. Đúng là trong lịch sử Việt Nam, ta có đọc và tìm ra 1 số nhân vật lỗi lạc của các triều đại phong kiến khi bất đồng quan điểm về kiến quốc,... với vua thì thường thoái quan ở ẩn để giữ tiết tháo. 

    Dùng ví dụ gượng ép này của lịch sử VN, nhà sử học Dương Trung Quốc đã cố tình quên rằng: Những đại trí thức, những người có lòng ái quốc nồng nàn trong lịch sử VN là những người đức cao trọng vọng. Dù có ở các vị trí quan lại cao, xong họ không bao giờ tham nhũng, lòng họ là trong sạch.

    Yêu cầu 1 Thủ tướng, tham nhũng đủ mọi mánh khóe, học tập những con người cao cả này, hình như ông Dương Trung Quốc đã phát biểu không có cân nhắc kỹ.

    1.3 TBT Trường Chinh từ chức?

    Sự kiện TBT Trường Chinh mất chức TBT ĐCS VN là sự thật. Xong ông ta từ chức hay bị kỷ luật cách chức, còn là 1 điều mập mờ.

    Chỉ biết rằng cùng với Trường Chinh là Hoàng Quốc Việt, Hồ Viết Thắng cũng mất chức Ủy viên BCT còn Lê Văn Lương bị loại khỏi BCH TW ĐCS VN. 

    2. Bình luận về trả lời của Thủ tướng.

    CT Hồ Chí Minh có nói: Muốn có CNXH phải có con người XHCN. 

    CT lại nói thêm: Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người.

    Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đại diện ưu tú của lớp cây do ĐCS VN ươm từ hạt giống đỏ thành Thủ tướng hôm nay.

    Ông ta trả lời ĐBQH Dương Trung Quốc: "Tóm lại là có thể nói là gần suốt cả cuộc đời tôi đi theo Đảng hoạt động cách mạng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp quản lý của Đảng, tôi cũng không có chạy, tôi cũng không có xin và tôi cũng không có thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước quyết định phân công, giao phó cho tôi."

    Qua câu nói này, ông Thủ tướng đã thể hiện bản lĩnh, đã lĩnh hội hết các đặc tính XHCN mà Chủ tịch HCM muốn ươm. Đó là người không có một chút chủ nghĩa cá nhân trong mình. Đó là con người toàn tâm toàn ý phấn đấu cho sự nghiệp của Đảng CS VN.

    Muốn làm được điều này, đầu tiên phải biết nói ngược. 

    Nghĩa là khi mang quà đến cấp trên, không được nói là em mang quà hối lộ cho anh để mong anh xét cho em vào chức nọ, chức kia.

    Ai nói như vậy là kẻ hối lộ, kẻ cá nhân chủ nghĩa.

    Ông Dũng khi còn là công an canh bãi, nếu có mang quà cho cấp trên của mình, ông ta chỉ là do tình cảm quí mến đồng chí lãnh đạo tận tụy, chứ không phải là chạy chức.

    Còn khi lãnh đạo hiểu ý, phân công cho đ/c Dũng chức vụ cao hơn, thì đ/c Dũng cũng vì nhiệm vụ lãnh đạo giao, đảng giao mà tận tụy nhận phong bì của dân, rồi chuyển lên cho cấp trên để thăng tiến hơn nữa.

    Hôm nay, con trai ông đang noi gương ông, không yêu cầu mà Đảng cứ giao cho chức Thứ trưởng, không chạy chức mà Đảng tín nhiệm cho vào TW.

    Con gái ông thì không thích tiền, nhưng noi gương cha của mình đang cố gắng trong 4 chức vụ CEO.

    Thật là cả nhà cùng đạo đức cao thượng. 

    Kết luận.

    Tại hội nghị TW6, 129 vị ủy viên TW không cho rằng cần phải kỷ luật Thủ tướng.

    BCT ĐCS VN cũng không dám kỷ luật 1 đồng chí. 

    CT nước Trương Tấn Sang tránh phạm húy, chỉ gọi người đáng phải kỷ luật là đ/c X.

    Còn ông Dương Trung Quốc trước 90 triệu người Việt Nam, trên diễn đàn Quốc hội, cơ quan quyền lực nhất nhà nước này, dám yêu cầu đích danh Thủ tướng khởi đầu cho văn hóa từ chức.

    Ông ĐBQH Trung Quốc kể ra cũng là 1 người dũng cảm.

    Thủ tướng Dũng nhân câu hỏi của ông ĐBQH, có cơ hội trước 90 triệu người Việt Nam, trên diễn đàn Quốc hội, cơ quan quyền lực nhất nhà nước này, giãi bày lòng trung thành với đảng, giãi bày công lao và tấm lòng tận tụy vì quốc gia này, dù sức khỏe kém. Thủ tưởng đã khẳng định trước bàn dân thiên hạ là sẽ tiếp tục làm Thủ tướng theo tin tưởng phân nhiệm của đảng, và chẳng thèm chú ý đến cái gọi là văn hóa từ chức của ông Dương Trung Quốc. 

    Thủ tướng là "cây tùng, cây bách" do đảng ươm mầm. Tương lai, con trai Thủ tướng, hiện là thứ trưởng, cũng trở thành "cây tùng, cây bách" như Thủ tướng.

    Thủ tướng vẫn là Thủ tướng: “Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua.", còn ông Dương Trung Quốc vẫn là ĐBQH.

    Thursday, November 15, 2012

    Văn hóa từ chức: bánh vẽ mới của thời đại


    Gieo rắc sợ hãi và ban bố niềm hy-vọng-kiểm-soát-được 
    là vũ khí sắc bén nhất, hiệu quả nhất của chế độ độc tài.

    Vũ Đông Hà - Trên những con đường đầy bụi và khói người ta đã thấy quá nhiều những biểu ngữ, panno mà cụm từ sau cùng là đạo đức, vinh quang, muôn năm và vĩ đại. Về nhà, ở diễn đàn quốc hội phóng ra từ màn hình nhỏ, trên các trang báo lề đảng, ngay cả ở lề Dân lẫn thông tấn quốc tế xôn xao một cụm từ mới: văn hóa từ chức. Từ bao năm rồi, đạo đức, văn hóa, nhân cách đã bị đem ra làm chiếc áo khoác lên người của những tên ăn cướp. Đức trị được tính toán có kế hoạch để trở thành những bánh vẽ, xâm nhập vào những nơi mà đáng lẽ ra phải là chỗ của Pháp trịVăn hóa từ chức là một loại bánh vẽ mới nhất trong ao tù đảng là đạo đức là văn minh này.

    Ở những nước "bình thường", từ chức đa phần là hành động sau cùng để giữ thể diện cá nhân. Không từ chức thì cũng bị đuổi nếu làm việc trong một công ty, hoặc bị truất phế nếu là một quan chức nhà nước hay một chính trị gia đang nắm một chức vị trong đảng. Đôi khi nó là kết quả của một cuộc thương lượng, mặc cả để giữ thể diện 2 bên - phía đuổi người và người sẽ bị đuổi. Có lúc nó xuất phát từ mục tiêu duy trì sự ổn định của thị trường hay niềm tin chính trị. Nhiều lúc hành động từ chức là cú vớt vát sau cùng để không có vết tì bị đuổi trên CV - Resume - sơ yếu lý lịch. Tóm lại, hành động rời chức vụ, bỏ ghế không tùy thuộc vào thiện chí của kẻ ra đi. Nó là kết quả đương nhiên của một trật tự trong quan hệ quyền hạn mang thuần tính pháp trị, theo những quy luật, quy ước hoạt động. Biến nó thành cái gọi là văn hóa (từ chức) là một việc làm khiên cưỡng. 

    Tại Việt Nam, sau bao nhiêu năm bị cai trị bởi một đảng độc tài, sự sợ hãi đã làm tê liệt mọi ý chí phản kháng của đại khối bị trị. Đa phần dân chúng trong nỗi sợ hãi (dẫn đến tuyệt vọng) đã phải bám vào - hoặc là thiện chí tự đổi thay của kẻ cai trị hay là từ những tranh giành quyền lực để mà tập đoàn cai trị tự đổi thay (!?). Thái độ của nhiều người trong cuộc đấu đá Ba-Tư vừa qua là tấm gương phản chiếu rõ nhất cho điều thứ 2 và sự tiếp đón tương đối nồng nhiệt cho khái niệm "Văn hóa từ chức" là một minh chứng mới cho điều thứ 1. 

    Nếu Quốc Hội là cơ quan quyền lực tối cao, có quyền hạn bãi nhiệm Thủ tướng theo nhưĐiều 84 Hiến pháp thì thay vì áp dụng một nền pháp trị công minh, ông ĐBQH Dương Trung Quốc đã mang "đức trị" qua cái gọi là "văn hóa từ chức" vào nghị trường. Và nhiều người vỗ tay, phụ họa "văn hóa từ chức phải khởi đầu từ Thủ tướng"

    Không! Từ chức, bãi nhiệm không bắt đầu từ cá nhân nào cả. Nó phải bắt đầu từ việc thi hành nghiêm chỉnh vai trò và trách nhiệm của mỗi bộ phận được quy định trong Hiến pháp quốc gia. Nó phải được áp dụng nghiêm khắc lên mọi thành viên - từ những đại biểu quốc hội cho đến Thủ tướng, Chủ tịch nước...

    Và không phải ai cũng không biết điều này. Biết nhưng lờ đi vì bất lực trước một xã hội rừng rú và quyền hạn nằm hết trong tay của một tập đoàn tha hóa, sâu bọ mà chính những kẻ đứng đầu tập đoàn cũng phải thú nhận - thú nhận về những điều mà xã hội đã quá tỏ tường.

    Người dân có thể hoan nghênh thiện chí của ông Dương Trung Quốc đã đại diện nhân dân đặt vấn đề với ông Thủ tướng. Nhưng trong trách nhiệm của Quốc Hội là cơ quan làm luật, sửa đổi luật và giám sát tối cao việc tuân theo luật, thiện chí của ông Quốc thật ra đã làm xấu thêm tình trạng quăng hiến pháp và luật pháp vào thùng rác khi áp dụng cho thành phần lãnh đạo. 

    Và không phải ông Dương Trung Quốc không biết điều này. Nhưng ông lờ đi. 

    Vì đất nước VN ngày hôm nay không phải chỉ có người dân sợ hãi. Chính những kẻ cầm quyền cũng đang sợ hãi nhau. Họ sợ hãi lẫn nhau không còn giống như thời các đảng viên cộng sản Sô Viết sợ trùm Stalin quá tàn bạo. Họ sợ hãi lẫn nhau vì biết chính mình cũng đang là kẻ phạm tội ít nhiều như những tên đồng chí bên cạnh, như tên đồng chí đứng trên kia đang quanh co đạo đức và bề dày cách mạng 51 năm. Nếu đem đặt để con cá kia nằm trên thớt thì tự họ cũng đang cho mình lên thớt.

    Để cai trị lâu dài chế độ độc tài phải tiếp tục duy trì sự sợ hãi bao trùm. Bao trùm tất cả. Từ ngoài dân cho đến trong đảng. Nhưng chưa đủ. Tinh xảo hơn, thâm độc hơn, họ vừa duy trì nỗi sợ hãi vừa tạo ra những loại hy vọng mơ hồ kiểm soát được. Hy vọng có một ông đại biểu sẽ thay đổi guồng máy. Hy vọng ông này đánh ông kia chế độ sẽ sụp. Hy vọng các thành viên của một đảng (đã còng lên đầu dân tộc một thể chế phong kiến cai trị đời đời bằng cái còng số 4 hiến pháp) có cái gọi là văn hóa từ chức. Hy vọng tên tham nhũng gạo cội nhất, tham quyền cố vị nhất mở đầu cho vở kịch không bao giờ kéo màn mang tên văn hóa từ chức.

    Đảng cộng sản VN luôn luôn muốn những người dân đang sợ hãi mang theo trong mình những niềm hy vọng kiểu này. 

    Gieo rắc sợ hãi VÀ ban bố niềm hy-vọng-kiểm-soát-được là vũ khí sắc bén nhất, hiệu quả nhất của chế độ độc tài.

    Saturday, October 27, 2012


    Thế nào là phản động?

    Cập nhật: 14:50 GMT - thứ sáu, 19 tháng 10, 2012
    Đảng Cộng sản Việt Nam không cho phép chính trị đa đảng
    Từ “phản động” nghĩa là tất cả những gì đi ngược lại hay trái với quy luật của tự nhiên và xã hội.
    Khái niệm “phản động” trong lĩnh vực chính trị xã hội được hiểu là khi các chính phủ, tổ chức, đảng phái chính trị, cá nhân có đường lối, chính sách, tư tưởng, cương lĩnh hoạt động đi ngược lại xu thế dân chủ và tiến bộ xã hội, làm thiệt hại đến lợi ích của nhân dân và Tổ quốc. Các đảng cầm quyền, chính phủ cố níu kéo và duy trì chế độ chính trị lạc hậu, phi dân chủ. Họ tuyệt đối hóa quyền lực của một cá nhân hay một đảng. Họ khinh thường các giá trị của quyền con người. Họ biến nhân dân thành đối tượng, công cụ để họ thỏa mãn về quyền lực và của cải. Họ sử dụng cả hệ thống chính trị, luật pháp, và truyền thông để chống lại và đàn áp những tổ chức, cá nhân đấu tranh dân chủ và bảo vệ nhân quyền.
    Trong các nước có chế độ chính trị độc tài hoặc độc đảng toàn trị, cụm từ “phản động” và “thế lực thù địch” được chính quyền sử dụng để chụp mũ, quy kết, ám chỉ những người, những tổ chức đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tiến bộ xã hội. Chính quyền cũng sử dụng từ “phản động” và “thế lực thù địch” để chụp mũ và quy kết cho những người có tư tưởng, quan điểm đối lập với đảng cầm quyền. Những người lên tiếng phê phán, chỉ trích đảng cầm quyền trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, an ninh,…
    Để vô hiệu hóa cũng như cô lập những người hoạt động đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Đồng thời làm mất đi sự ủng hộ của những người dân còn thiếu thông tin dẫn đến hiểu sai về việc đấu tranh của những người yêu nước. Các chính quyền độc tài và độc đảng toàn trị thường sử dụng quyền lực và các phương tiện truyền thông độc quyền của họ để tuyên truyền, vu khống và gọi những tổ chức và những người dân yêu nước là “phản động” và “thế lực thù địch”.
    Bản chất phản động
    Trong thực tiễn của lịch sử thế giới, có những đảng phái chính trị mà ban đầu mang bản chất của một đảng cách mạng, có công lao trong việc đem lại độc lập cho quốc gia. Nhưng khi nắm được quyền lực đã trở nên tham nhũng, thoái hóa, biến chất và không chịu từ bỏ những tư tưởng độc tài, độc đảng lạc hậu để tiếp thu những tư tưởng dân chủ, tiến bộ. Do đó những đảng cầm quyền này dần dần trở thành đảng phản động, và họ đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và Tổ quốc. Họ sử dụng bộ máy an ninh, cảnh sát, nhà tù để đe dọa, uy hiếp người dân nhằm duy trì quyền lực cùng với bản chất phản động của họ.
    Để hiểu rõ thế nào là phản động và thế lực thù địch với nhân dân, chúng ta cần phải xem xét kỹ từ bản chất bên trong cho đến những biểu hiện ra bên ngoài của một chế độ chính trị xã hội, đảng cầm quyền, hay một chính phủ.
    Trong Thánh Kinh cho biết“…Không có cây lành lại nào sinh quả độc; không có cây độc nào lại sinh quả lành; vì xem quả thì biết cây. Không ai hái trái vả nơi bụi gai, hay trái nho nơi bụi tật lê. Người tốt do lòng chứa điều thiện mà sinh ra điều thiện; kẻ xấu do lòng chứa điều ác mà sinh ra điều ác; bởi đầy dẫy trong lòng nên miệng mới nói ra.”
    Ở những quốc gia mà do những đảng chính trị mang bản chất phản động nắm quyền thì chúng ta nhận thấy như sau:
    Điều 79 và 88 trong bộ luật hình sự Việt Nam dùng để bóp nghẹt tự do ngôn luận?
    Thứ nhất, mọi giá trị đạo đức xã hội bị đảo lộn. Những kẻ bất chính, bất lương và gian ác thì nắm quyền lực, chiếm chỗ của những người công bình, chính trực. Những kẻ lưu manh, xấu xa thì khoác áo công quyền. Họ nhân danh Nhà nước, pháp luật để sách nhiễu, bắt giữ, xét xử và cầm tù những người đang tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền.
    Thứ nhì, tham nhũng trở thành quốc nạn, nó diễn ra ở khắp mọi nơi từ địa phương đến trung ương. Từ nơi kín đáo, riêng tư cho đến công khai trên các tuyến đường giao thông.
    Thứ ba, hệ thống, bộ máy quản lý kinh tế yếu kém dẫn đến tham nhũng, lãng phí tài sản của nhân dân, của quốc gia. Hệ thống tư pháp lạc hậu dẫn việc xét xử oan sai, công lý được đem ra mua bán, trao đổi. Hệ thống hành chính, thủ tục hành chính chồng chéo, không minh bạch dẫn đến tình trạng sách nhiễu người dân.
    Thứ tư, nạn tham nhũng và vô trách nhiệm của chính quyền đã dẫn đến tình trạng tài nguyên thiên nhiên, rừng bị tàn phá và khai thác cạn kiệt. Môi trường sống, không khí trong các đô thị bị ô nhiễm xếp hạng nhất thế giới, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của hàng chục triệu người dân.
    Thứ năm, những đảng phản động nắm quyền vô trách nhiệm, không đủ khả năng, năng lực để kiểm soát những loại hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm độc hại, kém phẩm chất được sản xuất trong nước cũng như nhập lậu. Họ cũng yếu kém về trí tuệ cũng như tầm nhìn trong qui hoạch, kiến trúc và xây dựng đô thị.
    Nhân quyền
    Cuối cùng, chúng ta so sánh trong lĩnh vực nhân quyền để thấy rõ hơn bản chất phản động của một chế độ chính trị. Ở các quốc gia do các đảng mang bản chất phản động cầm quyền thì các quyền con người trong lĩnh vực chính trị bị hạn chế hay tước bỏ hoàn toàn như: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Khi người dân phê phán hay chỉ trích những sai trái của chính quyền thì bị qui kết chống lại nhà nước và bị cầm tù. Người dân không được quyền làm báo chí tư nhân mà báo chí do đảng phản động độc quyền.
    "Các chế độ chính trị phản động muốn duy trì bóng tối bao trùm lên cả dân tộc để che đậy những hành vi tội ác của họ. Nhưng các lực lượng dân chủ và tiến bộ xã hội lại mang ánh sáng tới để xua tan bóng tối đang đè nặng lên dân tộc, và quét sạch đi mọi tội ác."
    Khi người dân thực hiện quyền hội họp, biểu tình ôn hòa thì bị sách nhiễu, bị tước đoạt quyền tự do, đem đi giam giữ mà không xét xử. Khi người dân thực hiên quyền lập hội, lập đảng thì bị qui kết hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Còn ở các quốc gia dân chủ tiến bộ thì người dân được tự do thành lập các tờ báo, báo chí trở thành công cụ quyền lực của nhân dân để giám sát hoạt động của chính quyền. Người dân được tự do hội họp, tự do biểu tình ôn hòa. Người dân có quyền tự do tham gia hoặc thành lập các tổ chức, đảng phái chính trị.
    Qua thực tiễn ở các chế độ độc tài và độc đảng ở Đông Âu trước đây và ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi hiện nay, chúng ta thấy rằng “các thế lực thù địch và phản động” đã bị chính quyền chụp mũ trước đây. Khi cách mạng dân chủ thành công thì đã chứng minh rõ ràng đó là những lực lượng cách mạng chân chính và tiến bộ. Họ đã tiến hành các cuộc cách mạng dân chủ đem lại quyền lực, quyền làm chủ đất nước về cho nhân dân. Thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng dân chủ văn minh. Các chế độ độc tài và độc đảng sau khi bị thay thế và công khai tất cả các thông tin về họ thì mọi người dân đều nhận thấy bản chất của các chế độ đó đều hết tàn bạo và mang bản chất cực kỳ phản động.
    Chính quyền phản động thường biến nhân dân từ địa vị làm chủ đất nước thành công cụ để phục vụ cho lợi ích phi pháp của họ đó là nhân dân phải lao động cực khổ trong các nhà máy, trên các công trường, hầm mỏ, đồng ruộng, trên các ngư trường đánh bắt hải sản để làm tiền và nộp thuế cho ngân sách quốc gia nhưng đã bị các từng lớp quan chức tha hóa chi tiêu lãng phí, tham nhũng và vơ vét của cải của nhân dân thành của riêng. Để dễ dàng thực hiện những hành vi phi pháp đó mà không bị nhân dân trừng phạt thì các chính quyền phản động phải duy trì quyền lực tuyệt đối của mình để kiểm soát mọi mặt của đời sống xã hội. Họ xây dựng hệ thống pháp luật, hệ thống các cơ quan tư pháp và hệ thống chính quyền nhằm hạn chế tối đa các quyền con người, vô hiệu hóa các quyền tự do, dân chủ của nhân dân.
    Các chế độ chính trị phản động muốn duy trì bóng tối bao trùm lên cả dân tộc để che đậy những hành vi tội ác của họ. Nhưng các lực lượng dân chủ và tiến bộ xã hội lại mang ánh sáng tới để xua tan bóng tối đang đè nặng lên dân tộc, và quét sạch đi mọi tội ác.
    Nhận diện được bản chất thực sự ai là phản động? Ai là thế lực thù địch với nhân dân? Và ai là dân chủ, tiến bộ là rất cần thiết. Từ đó mọi người dân sẽ có thái độ tích cực ủng hộ cũng như tham gia vào các lực lượng dân chủ và tiến bộ để tiến hành cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền.
    Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một luật sư hiện sống ở Hà Nội.

    Wednesday, October 24, 2012

    Nạn nhân của chính sách “Ngậm máu phun người”

     Việt Nam Cộng Hòa - Nạn nhân của chính sách “Ngậm máu phun người”

    Đặng Chí Hùng 

     
     
    Đặng Chí Hùng (Danlambao) - Thưa các bạn, là một người trẻ tuổi, chưa một lần được biết đến ngôi trường của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), cũng chưa từng được sống dưới chế độ tự do non trẻ đó, tuy nhiên qua nhiều sách báo, tài liệu và nhân chứng sống, cộng với những suy nghĩ của mình, tôi nhận thấy một điều đó là một chế độ, một nhà nước khác hẳn với những lời tuyên truyền của cộng sản. 

    Có một câu hỏi làm tôi day dứt gần 10 năm trời khiến tôi phải tự mình đi tìm câu trả lời cho nó đó là: “Tại sao một chế độ bị quy chụp là ngụy lại được người dân thương nhớ, tiếc nuối?”. Và cuối cùng tôi cũng tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó trong bài này đó là “Việt Nam Cộng Hòa chỉ là nạn nhân của một chính sách ngậm máu phun người của đảng cộng sản Việt Nam”. Vì sao tôi nói vậy? Vì không có một chế độ xấu xa nào mà hàng triệu công dân của nó ở Hải ngoại lẫn những người vẫn còn ở lại trong nước đã từng sống trong chế độ đó và thân nhân họ, thậm chí những người miền Bắc có tư duy đều thương tiếc. Con người ta có một tâm lý chung đó là luôn muốn quên đi cái dĩ vãng xấu xa, không tốt đẹp. Vậy khi hàng triệu người dù cho phải ly tán vẫn nhớ về nó thì đó không thể là điều xấu xa. Đó chính là câu trả lời chính xác nhất.

    Thật ra bất cứ một xã hội nào cũng có mặt hạn chế, ngay cả nước Mỹ nhân bản và dân chủ hiện nay cũng còn nhiều mặt cần sửa đổi. Việt Nam Cộng Hòa không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên trong một chừng mực nhất định thì những hạn chế đó sẽ dần khắc phục theo thời gian và trong cùng một thời điểm lịch sử hay thậm chí ngay cả với xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện tại thì VNCH xứng đáng dân chủ gấp vạn lần thật sự chứ không nói dối trơ trẻn của bà Doan. Đó là lý do tôi viết bài này để chứng minh cho bạn đọc những sự thật về một nhà nước dân chủ non trẻ nhưng đã phải chịu chính sách ngậm máu phun người của đảng cộng sản Việt Nam. 

    Tôi viết bài này xin giành tặng cho tất cả bạn đọc với mong muốn: 

    Với những người yêu VNCH dù đã từng sống hay chỉ biết đến qua sách vở thì như một lời khẳng định chắc chắn rằng những gì họ đã yêu mến không hề nhầm lẫn. 

    Với những người bị lừa dối hi sinh cho đảng cộng sản như thế hệ cha ông tôi thì như một lời chân tình để giúp họ thật sự nhận ra bản chất của đảng cộng sản VN và ông Hồ đã lừa dối họ bao lâu này. 

    Với những người còn vì miếng ăn mà cố gắng lừa bịp dân tộc hãy tỉnh lại đi, sự thật không thể bị bưng bít được mãi. Đừng tự lừa dối mình và lừa dối nhân dân nữa, hãy để cho lương tâm con người lên tiếng trong tâm hồn mình.

    Phần 1: Những sự thật về Việt Nam Cộng Hòa 

    A. Mỹ không hề xâm lược Việt Nam: 

    Trong bài “Những sự thật cần phải biết - Sự thật về Đại thắng mùa xuân 1975” tôi đã chứng minh  thất bại của VNCH không phải do hèn kém như cộng sản bịa đặt. Họ bị đồng minh bỏ rơi và bị ép phải chết yểu trong bàn cờ chính trị Mỹ-Trung cộng-Liên Xô. Mỹ cũng có lỗi của mình trong việc bỏ rơi đồng minh nhưng cũng nên biết rằng nước Mỹ cần phải tự cứu mình trong lĩnh vực kinh tế và cũng do chính sách nhân bản, không muốn lún sâu chiến tranh, đồng thời phần nào đấy là việc họ để cho chính bản thân những người dân Việt Nam nhận ra sự thật về cộng sản. 

    Tuy nhiên có một điều rất quan trọng mà tôi phải khẳng định đó là Mỹ không hề xâm lược Việt Nam như cách đảng cộng sản Việt Nam vẫn tuyên truyền để lừa bịp lòng yêu nước của nhân dân ta. Tại sao tôi có thể khẳng định điều này? Xin được trình bày như sau. 

    Thứ nhất, cho đến giờ phút này dù bất cứ ai cũng có thể thấy người Mỹ đến Việt Nam không lấy của người Việt Nam dù chỉ là một mm đất đai, hải đảo. Thậm chí họ còn giúp chúng ta xây dựng một Sài Gòn tự do và phồn vinh mà ở thời điểm trước năm 1975 là Hòn Ngọc Viễn Đông, ngay cả Singapore hay HongKong lúc ấy còn phải xếp hàng từ xa. Vậy thì người Mỹ xâm lược gì ở Việt Nam? Đất không lấy, một giọt dầu cũng không? Trung cộng trong khi đó thì sao? Trung cộng đã lấy Hoàng Sa - Trường Sa "nhờ" công hàm bán nước 1958 của ông Chủ tịch nước Hồ Chí Minh và ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng (xin xem thêm “Những sự thật không thể chối bỏ - phần 2 - Hồ Chí Minh và vai trò trong công hàm 1958”). Và còn hàng trăm km biên giới ở Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, hay Boxit Tây Nguyên. Ai xâm lược đây? Người Mỹ không hề xâm lược Việt Nam như cách đảng cộng sản vẫn rêu rao, mà kẻ xâm lược nước ta chính là “Đồng chí 16 chữ vàng, 4 tốt, tri ân sâu nặng” của đảng cộng sản Việt Nam. Đây cũng là điều cho thấy đảng cộng sản ngậm máu phun người đối với người Mỹ. 

    Thứ hai, nếu nói người Mỹ xâm lược Việt Nam thì có nghĩa là họ phải đổ quân đội vào Việt Nam trước khi đảng cộng sản để lại quân du kích và cán bộ tại VNCH để nằm vùng và khủng bố nhân dân miền Nam. Nhưng thực tế lại trái ngược lại. Xin quay lại “Những sự thật không thể chối - phần 13 - Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn!” bạn đọc sẽ thấy rõ. 

    Trong bộ môn lịch sử chương trình lớp 12, đảng cộng sản Việt Nam tuyên truyền:
    “Mặt trận Giải phóng Miền Nam” thành lập ngày 20/12/1960 với mục tiêu “đấu tranh chống quân xâm lược Mỹ và chính quyền tay sai, nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
    Nhưng thực chất thì sao? Năm 1961 khi ông Ngô Đình Diệm ký Hiệp ước quân sự với Mỹ, thì miền Nam lúc đó chỉ có các cố vấn Mỹ và một ít quân mang tính yểm trợ (US Support Troopes) với nhiệm vụ chính là xây dựng phi trường, cầu cống, đường sá... 

    Mỹ chỉ bắt đầu đưa quân vào miền Nam từ năm 1965, sau khi ông Ngô Đình Diệm qua đời do cương quyết từ chối không cho Mỹ trực tiếp can thiệp quân sự. Điều này ai cũng biết cả. Quân Mỹ thực sự đổ quân vào miền Nam sau sự kiện vịnh Bắc Bộ năm 1964 và để giúp VNCH chống lại cuộc chiến đang ngày càng leo thang của cộng sản ở miền Nam. Cho đến năm 1964 cả về quân số và trang bị quân sự của VNCH không thể bằng VNDCCH (đã chứng minh trong Những sự thật không thể chối - phần 3 - Bác, đảng đã bán những gì và để làm gì?). Vậy thì vào thời điểm 20.12.1960, làm gì có bóng dáng lính Mỹ nào ở Miền Nam, làm gì đã có ai xâm lược mà chống? Đảng cộng sản phải chống ai, chống cái gì vào năm 1960? Chính sự mâu thuẫn trong lời nói của cộng sản cũng cho ta thấy bản chất nói dối, lật lọng trong việc kích động chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam và cho thấy việc vu khống cho người Mỹ xâm lược Việt Nam là vô lý. 

    Thứ ba, hãy nghe người Liên Xô nói về việc Mỹ đổ quân vào Việt Nam để thấy người anh cả của đảng cộng sản Việt Nam biết rõ người Mỹ không phải vào Việt Nam “xâm lược” như cách tuyên truyền của đảng cộng sản Việt Nam. Tài liệu của Liên Xô đăng trong cuốn sách có tên “Một bước đi lớn” – bởi nhóm tác giả đã từng hoạt động tại KGB và do NXB Quân đội Liên bang Nga xuất bản năm 1999 nói về hoạt động tình báo của Liên Xô (đã giới thiệu ở bài “Những sự thật không thể chối bỏ - phần 13 -Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn!” có đoạn ở 128: 

    “Người Mỹ chắc chắn không xâm lược Việt Nam như cách người Pháp thực dân làm trước năm 1945 nhưng Việt Nam phải là một trong những tiền đồn ngăn cản chủ nghĩa tư bản ở Á Châu bao gồm Bắc Triều Tiên, Trung Hoa, Afghanistan...” Thì ra người Liên Xô với những con mắt lão luyện của tình báo KGB đâu có cho rằng người Mỹ xâm lược và đô hộ Việt Nam như cách người Pháp thực dân. Người Liên Xô chỉ lo ngại cho chủ nghĩa cộng sản của họ bị người Mỹ đánh bại chứ họ không nói là người Mỹ xâm lược và đô hộ Việt Nam như cách cộng sản tuyên truyền. Đó là do chính sách ngậm máu phun người của cộng sản nhằm lừa gạt hàng triệu thanh niên bỏ xác vì quyền lợi của chóp bu cộng sản mà thôi. Đó chính là một trong những chiêu bài núp bóng “Giải phóng dân tộc” mà ông Hồ cùng đảng cộng sản thực hiện để nhuộm đỏ Việt Nam cho âm mưu của Trung cộng. 

    Thứ tư, thật ra mong muốn người Mỹ vào Việt Nam đổ quân để tạo cớ người Mỹ xâm lược Việt Nam cũng nằm trong âm mưu của Trung cộng chỉ đạo cho ông Hồ và đảng cộng sản Việt Nam thực hiện. Trong cuốn sách “MAO: The Unknown Story” của tác giả Jung Chang và Jon Halliday được phát hành năm 2005 do hai nhà xuất bản Anchor Books và Random House xuất bản, ở trang 470 có đoạn: “Có một nơi gần Trung Quốc, nơi đã có người Mỹ, đó là Việt Nam. Cuối năm 1963, miền Nam Việt Nam có khoảng 15,000 cố vấn quân sự Mỹ. Kế hoạch của Mao là tạo tình huống làm cho Mỹ phải gởi thêm quân đội vào miền Nam…”

    Thế là đúng ra năm 1963, Trung cộng cũng nhận thấy người Mỹ chỉ có 15000 cố vấn mà thôi. Và chính Mao muốn ông Hồ phải “tạo tình huống” để người Mỹ phải đổ quân vào Việt Nam. Đó chính là việc cố tình tạo ra “kẻ thù” xâm lược để có cớ đánh VNCH và đổ tội cho người Mỹ xâm lược Việt Nam của Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh. 

    Thứ năm, thêm một đồng minh của VNDCCH khẳng định người Mỹ không hề xâm lược Việt Nam như cách đảng cộng sản tuyên truyền cho thấy những gì chúng ta đã và đang được nghe đảng cộng sản chỉ là lừa bịp. Trong cuốn sách có tên “Đối nghịch của tác giả J. Leroy - một nhà hoạt động xã hội người Pháp và cũng là đảng viên đảng cộng sản Pháp (giới thiệu ở bài “Những sự thật không thể chối bỏ - phần 14 - Ai làm cho Huế đau thương?”). Cuốn sách của ông đi sâu phân tích về tính chất đối lập của đảng cộng sản và các đảng phái khác và dẫn chứng về cuộc chiến Việt nam như là một sự đối nghịch đỉnh điểm về ý thức hệ. Trong trang 187 của cuốn sách in năm 2000 tại Pháp có nội dung trích như sau:“Một cuộc chiến tại Việt Nam là điều mà Hoa Kỳ không mong muốn, họ đến với Việt Nam khác hẳn lũ người độc ác của chúng ta trước đây. Nhưng họ phải đổ quân vào vì họ không muốn Liên Xô bành trướng tư tưởng của Mác, Lê Nin…” Tác giả cộng sản Pháp này rất trung thực trong việc đánh giá người Mỹ không xâm lược Việt Nam như chính thực dân Pháp trước năm 45 mà họ chỉ vào Việt Nam trong tình thế bắt buộc chống lại sự bành trướng tư tưởng đỏ của Liên Xô.
    Kết luận: Một kẻ đi xâm lược không thể là kẻ đổ quân vào sau khi đồng minh của họ bị khủng bố. Người Mỹ chỉ đổ quân vào để giúp đồng minh chống lại chủ nghĩa cộng sản bạo tàn và độc tài. Người Mỹ chỉ là một “kẻ thù” được dựng lên với mục đích lừa dối dân tộc trong chiêu bài “Chống Mỹ cứu nước” của đảng cộng sản. Việc tạo ra một kẻ “xâm lược” giả tưởng này không khác gì việc người ta cố tình dựng lên một hình ảnh “thế lực thù địch để nói về đội ngũ đấu tranh dân chủ hiện nay ở Việt Nam hay bóng ma “thế lực thù địch” đang làm đảng tự diễn biến. Một kẻ đi xâm lược không thể không áp bức, bóc lột và lấy đất đai, tài nguyên của chúng ta. Người Mỹ thì không làm điều đó, vậy họ không thể là kẻ xâm lược. 

    Người Mỹ đến Việt Nam với mục đích chống lại sự bành trướng chủ nghĩa cộng sản trên thế giới và giúp VNCH chống lại làn sóng khủng bố của đảng cộng sản gieo rắc tại Miền Nam. Họ không hề xâm lược Việt Nam như cách đảng cộng sản Việt Nam tuyên truyền, họ cũng là nạn nhân của một chính sách ngậm máu phun người của đảng cộng sản Việt Nam. 

    B. Việt Nam Cộng Hòa không phải là chế độ Ngụy Quân, Ngụy Quyền: 

    Nếu không có kẻ xâm lược thì làm gì có kẻ làm tay sai “ngụy quân, ngụy quyền”? Như phần A tôi đã chứng minh những tác giả trung lập và ngay cả những người cộng sản Pháp, Liên Xô trong những nghiên cứu nghiêm túc của mình đã công nhận người Mỹ không hề xâm lược Việt Nam đúng nghĩa. Vậy thì những người đồng minh của họ là VNCH có phải là tay sai bán nước như cộng sản nhồi nhét vào đầu chúng ta hay không? Không. Hoàn toàn không phải. Đó là một chế độ dân chủ non trẻ nhưng mang trong mình những tư tưởng và ý niệm tốt đẹp cho nhân dân. Tôi xin khẳng định thông qua phần B này. 

    Nói như bà Dương Thu Hương một nữ văn sĩ miền Bắc theo đoàn quân của CS Bắc Việt vào Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975 thì “Đó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua một chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt nam phạm phải...” Và chính ông Võ Văn Kiệt, cựu thủ tướng của CHXHCNVN cũng phải thốt lên cái ngày 30/4 là ngày mà VNCH chính thức mất đi trên danh nghĩa nhưng còn mãi tồn tại trong lòng người yêu dân chủ, tự do“Ngày của triệu người buồn. 

    1. VNCH có nền kinh tế phát triển hơn hẳn VNDCCH: 

    Tại miền Nam dưới sự lãnh đạo của ông Ngô Đình Diệm, cùng sự hỗ trợ của Hoa Kỳ nhằm khôi phục kinh tế và nâng cao dân trí, trong thời điểm miền Bắc có cải cách ruộng đất gây tai họa thì miền Nam cũng có Cải cách điền địa và “Người cày có ruộng” mang lại niềm vui cho nhân dân. Chính vì có những chính sách hợp lý, chế độ dân chủ nên nửa trong của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Bằng chứng là Sài Gòn được coi là “Hòn Ngọc Viễn Đông”

    Ngay sau khi ông Diệm bị giết hại thì nền Đệ nhị Cộng hòa cũng đã có những nối tiếp nền Đệ nhất Cộng hòa để đem lại đời sống no ấm cho nhân dân miền Nam. Dù có khó khăn do chiến tranh liên miên, đảng cộng sản cho quân du kích nằm vùng đặt bom, phá đường, tài sát dân lành thì nền kinh tế vẫn được duy trì một đời sống hơn hẳn so với VNDCCH. Bạn đọc hãy cùng tôi điểm lại những tài liệu để thấy sự thật này. 

    Giai đoạn 1954-1956: Công nghiệp khá nghèo nàn với số lượng nhà máy ít ỏi có từ thời Pháp thuộc. 

    Giai đoạn 1957-1967: là giai đoạn bùng nổ của công nghiệp nhờ chính sách công nghiệp tích cực của chính quyền và nhờ các biện pháp bảo hộ nền công nghiệp trong nước. 

    Thursday, October 11, 2012


    AI ĐÃ HACKED VÀO QUAN LÀM BÁO VÀ BÔI NHỌ GIA ĐÌNH BÀ HOÀNG YẾN?

    Trong khoảng 12h Blog của chúng tôi đã bị Hacked và kẻ giả mạo đã đưa các thông tin bôi nhọ gia đình bà cựu nghị sĩ Hoàng Yến, không những thế còn vi phạm pháp luật của Hoa Kỳ.

    Liệu 'Những người yêu nước hải ngoại' như đám Hacker dấu mặt tự xưng có làm nổi cái việc biết đến từng chi tiết các chuyến bay, đến số ghế mà bà và người thân đã đi trên chuyến bay và những tư liệu hình ảnh rất đáng xấu hổ chỉ của những trang mạng khiêu dâm bị ngay Luật pháp của Hoa Kỳ nghiêm cấm????

    Có lẽ độc giả Việt Nam, những người thật sự yêu Tổ Quốc Việt Nam đang bị giày xéo  bởi những tên bán nước như Nguyễn Tấn Dũng, NguyễnVăn Hưởng đều muốn biết bộ mặt thật của những kẻ chính trị gia bẩn thỉu đó đã làm gì.
     Để hãm hại một con người Tướng Hưởng đã buộc Tướng Tô Lâm thành lập một ban chuyên án để chuyên hacked vào máy tính và emails của cá nhân bà Yến, cùng những người thân trong gia đình, của cả bạn bè bà Yến vừa ăn cắp thông tin, vừa chế biến, bóp méo theo mục đích của chúng.

    Mặt khác Hưởng đã buộc Trần Việt Tân sử dụng cả mạng lưới điệp viên ngoại tuyến của mình ở nước ngoài đổ vào để theo dõi những địa chỉ mà chúng đã biết, mục đích vừa đe doạ và không từ cả thủ đoạn hãm hại những người không những vô tội mà còn là một biểu tượng Doanh nhân thực sự được xã hội và người dân Việt Nam ngưỡng mộ.

    Thật đáng hổ thẹn cho cả một bộ máy quyền lực của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tốn tiền của nhân dân để làm một cái việc vô cùng bẩn thỉu mà bất cứ một con người bình thường nào cũng cảm thấy nhục nhã!

    Có lẽ qua đây cho mọi người hiểu rõ tại sao thời của Chính Phủ Dũng ngân sách nhà nước luôn tăng 2-3 lần so với Người Tiền nhiệm và luôn luôn bội chi, ngay năm nay chỉ có 9 tháng đã bội chi trên 120.000 tỷ đồng tương đương 6  tỷ USD!

    Làm sao không bội chi cho được khi Nguyễn Tấn Dũng đã xử dụng ngân sách nhà nước, ngân sách dùng để đảm bảo an ninh Quốc gia để nuôi một đội quân đi theo dõi hãm hại một bà cựu Nghị sĩ cùng gia đình??? Vậy thử hỏi còn có điều gì mà những  loại người như bè lũ Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Hưởng không dám làm?
      
    Chúng tôi lấy làm tiếc và xin chia xẻ với bà Yến cùng gia đình vì những gì bè lũ Quỷ dữ Nguyễn Văn Hưởng đã làm với bà và gia đình. Chúng tôi khuyên bà và gia đình hãy nhanh chóng báo cho FBI để truy tìm những kẻ dấu mặt tại Hoa Kỳ. Luật pháp của Hoa Kỳ rất nghiêm minh và bảo vệ quyền con người, bất kỳ sự theo dõi bất hợp pháp nào nếu bị bắt sẽ bị trả giá thích đáng. Đồng thời hãy 'Tương kế, tựu kế', làm thế nào tóm cổ được một kẻ theo dõi gia đình bà, từ đó sẽ phăng ra cả một tổ chức, nhất là con rể bà là Người Mỹ, họ sẽ  được Luật pháp Hoa Kỳ bảo vệ vạch mặt cái tổ chức cầm đầu là Tướng Trần Việt Tân của Bộ Công An Việt Nam và lôi cổ bọ chúng ra trước Toà án Hoa Kỳ.

    Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nếu  Bà Yến cùng gia đình cần sự giúp đỡ của chúng tôi