XIN BẠN NGHE TÔI VÀ NÓI CHO NGƯỜI KHÁC NGHE

TÔI KHÔNG CÓ CAO VỌNG MONG BẠN LÀM GÌ HƠN LÀ NGHE TÔI NỐI VÀ NẾU CÓ THỂ, NÓI LẠI CHO NGƯỜI KHÁC NGHE.

Saturday, November 17, 2012


Chưa từng có


    Cuối tháng 10 vừa qua, Quốc Hội Việt Nam thảo luận nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc Hội và Ủy ban nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

    Theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, mục tiêu của việc bỏ phiếu tín nhiệm là “nhằm bổ sung căn cứ để thực hiện công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc. Khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức, kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo, quản lý những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ”.

    Đối tượng được đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc Hội bao gồm: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng, các phó thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.

    Bên cạnh Quốc Hội, Hội đồng nhân dân ở các địa phương cũng sẽ thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch, uỷ viên thường trực hội đồng nhân dân, trưởng các ban của hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên của ủy ban nhân dân.

    Đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đang được thảo luận. Có người đề nghị đổi cái tên “bỏ phiếu tín nhiệm” bằng “bỏ phiếu bất tín nhiệm”. Có người chủ trương việc bỏ phiếu tín nhiệm/bất tín nhiệm nên tổ chức hằng năm; người khác lại đề nghị chỉ thực hiện hai lần trong mỗi nhiệm kỳ. Có người đề nghị chia phiếu thành bốn loại, gồm “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “chưa có ý kiến”; người khác lại đề nghị chỉ nên có hai loại phiếu: tín nhiệm hay không tín nhiệm.

    Chưa biết cuối cùng, nội dung chính thức của nghị quyết sẽ như thế nào. Chỉ biết được hai điều. Một, dự kiến nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2013. Hai, dù chưa biết nội dung cụ thể và cũng chưa biết chắc hiệu quả của các nghị quyết ấy, một số người trong giới lãnh đạo Việt Nam đã khoe khoang om sòm về “tính cách mạng” của nó. Đáng chú ý nhất là phát biểu của ông Phạm Quang Nghị, bí thư Thành ủy Hà Nội và là một trong 14 ủy viên Bộ chính trị:

    Mới mẻ
    Đây là việc vô cùng mới mẻ, nếu chúng ta làm được thì đây là mô hình đánh giá cán bộ rất hiếm có trên thế giới. Nhiều nước cũng có biện pháp đánh giá sự tín nhiệm đối với chính phủ và người đứng đầu chính phủ, nhưng đánh giá tất cả thành viên chính phủ, đánh giá cả chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; chủ tịch, phó chủ tịch quốc hội và tất cả những người đứng đầu cơ quan lập pháp thì phải nói là trên thế giới chưa hề có. (ĐB Phạm Quang Nghị)
    Ông Phạm Quang Nghị mở đầu bằng cách cho việc đánh giá giới lãnh đạo mà Việt Nam đang muốn làm là một mô hình “rất hiếm có trên thế giới”, rồi ngay sau đó, nhấn mạnh thêm: “chưa từng có”.

    Ở đây, nảy ra hai câu hỏi: Thứ nhất, có thực như vậy không? Và thứ hai, nếu thực, điều đó có thực sự cần thiết hay không?

    Với câu hỏi thứ nhất, xin lưu ý là ở tất cả các quốc gia dân chủ, việc đánh giá chính phủ cũng như người đứng đầu chính phủ là điều người ta làm thường xuyên, ba hay bốn năm một lần, qua các cuộc bầu cử. Trong các cuộc bầu cử ấy, dân chúng sẽ đánh giá lại toàn bộ các thành tựu của người (hoặc đảng) lãnh đạo trong suốt nhiệm kỳ vừa qua và sẽ quyết định, bằng lá phiếu của mình, cho phép người ấy hoặc đảng ấy tiếp tục cầm quyền hoặc thay thế bằng người và đảng khác. Các cuộc bầu cử đều được tổ chức một cách công khai, công bằng, tự do và minh bạch; ở đó, mọi người đều có quyền phanh phui tất cả những dối trá hay ỡm ờ của nhau để cho công luận được biết và dân chúng được quyết định.

    Hơn nữa, nên lưu ý, ở các nước dân chủ, không phải chỉ có dân chúng mới đánh giá giới lãnh đạo và chỉ đánh giá qua các cuộc bầu cử. Trong các trường hợp đặc biệt, Quốc Hội cũng có thể đứng ra đàn hặc (impeachment) tổng thống, phó tổng thống và tất cả các nhà lãnh đạo quan trọng khác, kể cả các chánh án thuộc tòa án tối cao. Ở Mỹ, từ năm 1789 đến nay, Quốc Hội đã tiến hành 64 vụ đàn hặc như vậy. Trong đó có ba cuộc đàn hặc nhắm trực tiếp vào tổng thống. Thứ nhất Tổng thống Andrew Johnson vào năm 1868 vì tội vi hiến trong việc phủ quyết đạo luật về Quyền Dân sự. Thứ hai là Tổng thống Richard Nixon vào năm 1974 vì vụ Watergate. Có điều, biết chắc chắn mình sẽ thua, Nixon tuyên bố từ chức trước khi vụ đàn hặc chính thức bắt đầu. Năm 1998, Tổng thống Bill Clinton trở thành vị tổng thống thứ ba bị mang ra đàn hặc trước Quốc Hội. May, cũng giống như Tổng thống Andrew Johnson hơn một trăm năm trước đó, số phiếu chống ông chưa tới 2/3 nên ông được thoát.

    Như vậy, không thể nói trên thế giới chưa từng có hiện tượng Quốc Hội đánh giá và quyết định số phận của giới lãnh đạo.

    Đó là chưa kể, ở Việt Nam, từ việc bầu cử Quốc Hội đến việc bỏ phiếu tín nhiệm/bất tín nhiệm như vậy chỉ là những màn kịch giả dối. Ừ, thì Việt Nam cũng bầu cử Quốc Hội. Tuy nhiên, ở đây lại có mấy điều. Một, muốn ứng cử thì phải được Mặt trận Tổ Quốc, tổ chức ngoại vi của đảng, giới thiệu. Hai, việc kiểm tra phiếu bầu không bao giờ được bảo đảm về tính minh bạch và công bằng cả. Ba, hầu hết đại biểu Quốc Hội là đảng viên. Là đảng viên thì phải theo chỉ thị của đảng. Thành ra, cho đến nay, Quốc Hội chả làm được gì ngoài một thứ công cụ cho đảng sai khiến. Sau này, khi nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hành, liệu có đại biểu-đảng viên nào dám chống lại mệnh lệnh của đảng hay không?

    Về câu hỏi thứ hai, liệu người ta có cần phải bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm các chức vụ như Bộ trưởng, Thứ trưởng, v.v. hay không? Xin lưu ý là: nếu một vị Bộ trưởng hay Thứ trưởng hay bất cứ một công chức cao cấp nào đó trong chính phủ phạm sai lầm hay bất lực thì tội không phải chỉ thuộc về họ mà còn thuộc cả người lãnh đạo cao nhất trong chính phủ ấy nữa. Một trong những yêu cầu và là trách nhiệm lớn nhất của người lãnh đạo chính phủ là phải biết phát hiện ra nhân tài và biết bổ nhiệm đúng người vào đúng việc. Bởi vậy, thượng cấp phải chia sẻ trách nhiệm với thuộc cấp về những sai lầm mà họ phạm phải, nhất là những sai lầm do bất lực. Tháng 8 năm 2005, khi FEMA, Cơ quan chuyên trách việc đối phó với tình trạng khẩn cấp thuộc liên bang Mỹ, phản ứng chậm chạp trước cơn bão Katrina ở vùng New Orleans, Louisiana, người bị dư luận lên án không phải chỉ là Michael Brown, giám đốc cơ quan ấy mà còn cả Tổng thống George W. Bush, người bổ nhiệm Brown vào chức vụ ấy nữa.

    Ở Việt Nam, trong mấy năm vừa qua, trước sự sụp đổ của các tập đoàn kinh tế nhà nước, người ta chỉ tập trung phê phán các giám đốc hay tổng giám đốc mà lại làm ngơ trước trách nhiệm của Bộ trưởng liên hệ và của chính Thủ tướng, người ký quyết định bổ nhiệm những người ấy. Ở đây, Thủ tướng mắc đến ba lỗi: Một, đưa ra một chính sách đầy tham vọng nhưng vượt ra ngoài khả năng của mình (thành lập các tập đoàn kinh tế); hai, chọn không đúng người nắm giữ các tập đoàn ấy; và ba, không kiểm soát để phát hiện ra sớm những hành vi sai trái của họ để đến khi các hành vi sai trái ấy gây nên những tác hại nghiêm trọng, ai cũng thấy, thì Thủ tướng mới ra tay. Đó là chúng ta chưa kể đến một lỗi khác có thể có: dính líu đến các việc chia ghế, từ đó, chia tiền.

    Ngày xưa, Việt Nam tự hào “ra ngõ cũng gặp anh hùng”. Bây giờ khi ra ngõ là gặp toàn ăn cắp và ăn cướp, người ta lại tự hào về những điều mà người ta hoang tưởng là trên thế giới “chưa từng có”.

    Chán.

    Về đoạn hỏi, đáp của Đại biểu Dương Trung Quốc và Thủ tướng tại Quốc hội

    Nguyễn Nghĩa650  - Thủ tướng là "cây tùng, cây bách" do đảng ươm mầm. Tương lai, con trai Thủ tướng, hiện là thứ trưởng, cũng trở thành "cây tùng, cây bách" như Thủ tướng. Thủ tướng vẫn là Thủ tướng: “Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua." Còn ông Dương Trung Quốc vẫn là ĐBQH...

    *

    Tuần qua, có từ khóa làm xôn xao dư luận Việt Nam. Đấy là nhóm từ "văn hóa từ chức" do ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tung ra, khi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc hội VN, họp ngày 14/11/2012.

    Đoạn quan trọng nhất của câu hỏi cho ĐBQH Dương Trung Quốc nguyên văn như sau:

    “… Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật chứ không phải chỉ là lời xin lỗi. 

    Phải chăng thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện lòng quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu của chính phủ, hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi, thay bằng tập quán phù hợp với một xã hội hiện đại – là văn hóa từ chức với một lộ trình là các quan chức của ta làm được cái điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm. 

    Xin nhắc lại rằng, xa xưa các cụ nhà ta cũng coi việc cáo quan hồi hương là một cách giữ tiết tháo. Còn đảng ta cũng đã từng có một vị tổng bí thư, người có công lớn trong Cách mạng tháng 8 năm 45′, sau khi nhận trách nhiệm chính trị về những sai lầm trong Cải cách ruộng đất 1956, đã từ chức và tiếp tục phấn đấu, để rồi 3 thập kỷ sau trở lại với cương vị tổng bí thư, kịp góp phần khởi động công cuộc “Đổi mới”, trước khi từ trần. 

    Kính thưa thủ tướng, tóm lại xin có hai câu hỏi. 

    Một, thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng, mình đã nặng trách nhiệm với đảng, mà nhẹ trách nhiệm với dân? 

    Hai, thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức, để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không? (hết trích). 

    Chỉ ít phút sau câu hỏi của ĐBQH Dương Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời ngay lập tức, rất suôn sẻ, như có tập dượt trước:

    “...Đối với tôi đó thì, hôm nay còn 3 ngày nữa là tròn 51 năm tôi theo Đảng hoạt động cách mạng, chịu sự lãnh đạo quản lý trực tiếp của Đảng trong 51 năm qua đó tôi không có xin với Đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác. 

    Và mặt khác thì tôi cũng không có từ chối, không có thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước giao phó cho tôi. 

    Là một cán bộ đảng viên của Đảng thì cũng báo cáo Quốc hội là tôi cũng có nghiêm túc báo cáo đầy đủ với Đảng về bản thân mình, báo cáo với Bộ Chính trị, báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương một cách nghiêm túc, đầy đủ về bản thân mình. 

    Và Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã hiểu rõ về tôi cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về phẩm chất đạo đức, cả về năng lực, khả năng, cả về sức khỏe thương tật, cả về tâm tư nguyện vọng của tôi. 

    Và Đảng đã lãnh đạo, quản lý trực tiếp tôi, hiểu rất rõ về tôi. Và Đảng ta cũng là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Trung ương phân công. 

    Và Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương đảng, của Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất đối với tôi. 

    Tóm lại là có thể nói là gần suốt cả cuộc đời tôi đi theo Đảng hoạt động cách mạng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp quản lý của Đảng, tôi cũng không có chạy, tôi cũng không có xin và tôi cũng không có thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước quyết định phân công, giao phó cho tôi. 

    Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua.” (hết trích) 

    Bài viết này, tôi muốn làm rõ hơn bản chất của đoạn đối thoại nổi tiếng trên. 

    1. Những bất cập của ý kiến về "văn hóa từ chức" của Dương Trung Quốc. 

    1.1 - Ông Dương Trung Quốc không nói rõ ra rằng trong ý kiến của ông, các nước tiên tiến có văn hóa từ chức là những nước nào? Ông nói:

    "...văn hóa từ chức với một lộ trình là các quan chức của ta làm được cái điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm."

    Theo tôi hiểu, thì ông muốn nói đến các nước dân chủ trên thế giới hôm nay.

    Nếu vậy thì đúng như ông nhận xét là các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Thụy Điển, Na Uy,... là những nước dân chủ có "văn hóa từ chức".

    Ở những nước này, khi 1 lãnh đạo để trong bộ phận mình lãnh đạo xảy ra những sự kiện bị dư luận xã hội lên án hay những khiếm khuyết trong điều hành gây tổn hại lớn cho xã hội... thì việc từ chức là hiện tượng chúng ta thường được truyền thông loan tải, thông báo.

    Thực chất của hiện tượng này là phía sau, có sức ép của 1 điều luật. Điều luật này rất khắt khe với các công chức lãnh đạo, với chính trị gia, với quân nhân... và 1 điều luật không qui bản là: nếu họ đã phạm khuyết điểm mà không tự nguyện từ chức sẽ bị truy tố trước pháp luật. 

    Trường hợp từ chức của Tổng thống Hoa Kỳ Nixon là 1 ví dụ điển hình. Theo điều khoản 4 Hiến pháp Hoa Kỳ: “Tổng thống, Phó Tổng thống và các quan chức dân sự của Hợp chúng quốc sẽ bị cách chức khi bị buộc tội phản quốc, tội nhận hối lộ, hoặc những tội nghiêm trọng khác.” 

    Ông Dương Trung Quốc đã lấy hiện tượng từ chức có văn hóa của các nước dân chủ tiên tiến đòi Thủ tướng cộng sản VN phải dùng nó làm gương để bắt đầu "thể hiện lòng quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu của chính phủ, hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi, thay bằng tập quán phù hợp với một xã hội hiện đại – là văn hóa từ chức" là ông đã không hiểu được tình hình chính trị Việt Nam. 

    Việt Nam là nước đảng trị, do ĐCS VN toàn trị. 

    Việt Nam không thèm học các nước tư bản giãy chết. 

    Nếu phải học, thì VN chỉ tin cậy và học Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba... mà thôi. 

    Mà ở TQ, Cu Ba,... hiện tượng cha truyền, con nối,... bám đến cùng chức vụ là truyền thống của các chế độ cộng sản này. 

    1.2 - Ông Dương Trung Quốc có nói đến việc từ quan giữ tiết tháo của "các cụ nhà ta" trong lịch sử Việt Nam. Đúng là trong lịch sử Việt Nam, ta có đọc và tìm ra 1 số nhân vật lỗi lạc của các triều đại phong kiến khi bất đồng quan điểm về kiến quốc,... với vua thì thường thoái quan ở ẩn để giữ tiết tháo. 

    Dùng ví dụ gượng ép này của lịch sử VN, nhà sử học Dương Trung Quốc đã cố tình quên rằng: Những đại trí thức, những người có lòng ái quốc nồng nàn trong lịch sử VN là những người đức cao trọng vọng. Dù có ở các vị trí quan lại cao, xong họ không bao giờ tham nhũng, lòng họ là trong sạch.

    Yêu cầu 1 Thủ tướng, tham nhũng đủ mọi mánh khóe, học tập những con người cao cả này, hình như ông Dương Trung Quốc đã phát biểu không có cân nhắc kỹ.

    1.3 TBT Trường Chinh từ chức?

    Sự kiện TBT Trường Chinh mất chức TBT ĐCS VN là sự thật. Xong ông ta từ chức hay bị kỷ luật cách chức, còn là 1 điều mập mờ.

    Chỉ biết rằng cùng với Trường Chinh là Hoàng Quốc Việt, Hồ Viết Thắng cũng mất chức Ủy viên BCT còn Lê Văn Lương bị loại khỏi BCH TW ĐCS VN. 

    2. Bình luận về trả lời của Thủ tướng.

    CT Hồ Chí Minh có nói: Muốn có CNXH phải có con người XHCN. 

    CT lại nói thêm: Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người.

    Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đại diện ưu tú của lớp cây do ĐCS VN ươm từ hạt giống đỏ thành Thủ tướng hôm nay.

    Ông ta trả lời ĐBQH Dương Trung Quốc: "Tóm lại là có thể nói là gần suốt cả cuộc đời tôi đi theo Đảng hoạt động cách mạng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp quản lý của Đảng, tôi cũng không có chạy, tôi cũng không có xin và tôi cũng không có thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước quyết định phân công, giao phó cho tôi."

    Qua câu nói này, ông Thủ tướng đã thể hiện bản lĩnh, đã lĩnh hội hết các đặc tính XHCN mà Chủ tịch HCM muốn ươm. Đó là người không có một chút chủ nghĩa cá nhân trong mình. Đó là con người toàn tâm toàn ý phấn đấu cho sự nghiệp của Đảng CS VN.

    Muốn làm được điều này, đầu tiên phải biết nói ngược. 

    Nghĩa là khi mang quà đến cấp trên, không được nói là em mang quà hối lộ cho anh để mong anh xét cho em vào chức nọ, chức kia.

    Ai nói như vậy là kẻ hối lộ, kẻ cá nhân chủ nghĩa.

    Ông Dũng khi còn là công an canh bãi, nếu có mang quà cho cấp trên của mình, ông ta chỉ là do tình cảm quí mến đồng chí lãnh đạo tận tụy, chứ không phải là chạy chức.

    Còn khi lãnh đạo hiểu ý, phân công cho đ/c Dũng chức vụ cao hơn, thì đ/c Dũng cũng vì nhiệm vụ lãnh đạo giao, đảng giao mà tận tụy nhận phong bì của dân, rồi chuyển lên cho cấp trên để thăng tiến hơn nữa.

    Hôm nay, con trai ông đang noi gương ông, không yêu cầu mà Đảng cứ giao cho chức Thứ trưởng, không chạy chức mà Đảng tín nhiệm cho vào TW.

    Con gái ông thì không thích tiền, nhưng noi gương cha của mình đang cố gắng trong 4 chức vụ CEO.

    Thật là cả nhà cùng đạo đức cao thượng. 

    Kết luận.

    Tại hội nghị TW6, 129 vị ủy viên TW không cho rằng cần phải kỷ luật Thủ tướng.

    BCT ĐCS VN cũng không dám kỷ luật 1 đồng chí. 

    CT nước Trương Tấn Sang tránh phạm húy, chỉ gọi người đáng phải kỷ luật là đ/c X.

    Còn ông Dương Trung Quốc trước 90 triệu người Việt Nam, trên diễn đàn Quốc hội, cơ quan quyền lực nhất nhà nước này, dám yêu cầu đích danh Thủ tướng khởi đầu cho văn hóa từ chức.

    Ông ĐBQH Trung Quốc kể ra cũng là 1 người dũng cảm.

    Thủ tướng Dũng nhân câu hỏi của ông ĐBQH, có cơ hội trước 90 triệu người Việt Nam, trên diễn đàn Quốc hội, cơ quan quyền lực nhất nhà nước này, giãi bày lòng trung thành với đảng, giãi bày công lao và tấm lòng tận tụy vì quốc gia này, dù sức khỏe kém. Thủ tưởng đã khẳng định trước bàn dân thiên hạ là sẽ tiếp tục làm Thủ tướng theo tin tưởng phân nhiệm của đảng, và chẳng thèm chú ý đến cái gọi là văn hóa từ chức của ông Dương Trung Quốc. 

    Thủ tướng là "cây tùng, cây bách" do đảng ươm mầm. Tương lai, con trai Thủ tướng, hiện là thứ trưởng, cũng trở thành "cây tùng, cây bách" như Thủ tướng.

    Thủ tướng vẫn là Thủ tướng: “Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua.", còn ông Dương Trung Quốc vẫn là ĐBQH.

    Thursday, November 15, 2012

    Văn hóa từ chức: bánh vẽ mới của thời đại


    Gieo rắc sợ hãi và ban bố niềm hy-vọng-kiểm-soát-được 
    là vũ khí sắc bén nhất, hiệu quả nhất của chế độ độc tài.

    Vũ Đông Hà - Trên những con đường đầy bụi và khói người ta đã thấy quá nhiều những biểu ngữ, panno mà cụm từ sau cùng là đạo đức, vinh quang, muôn năm và vĩ đại. Về nhà, ở diễn đàn quốc hội phóng ra từ màn hình nhỏ, trên các trang báo lề đảng, ngay cả ở lề Dân lẫn thông tấn quốc tế xôn xao một cụm từ mới: văn hóa từ chức. Từ bao năm rồi, đạo đức, văn hóa, nhân cách đã bị đem ra làm chiếc áo khoác lên người của những tên ăn cướp. Đức trị được tính toán có kế hoạch để trở thành những bánh vẽ, xâm nhập vào những nơi mà đáng lẽ ra phải là chỗ của Pháp trịVăn hóa từ chức là một loại bánh vẽ mới nhất trong ao tù đảng là đạo đức là văn minh này.

    Ở những nước "bình thường", từ chức đa phần là hành động sau cùng để giữ thể diện cá nhân. Không từ chức thì cũng bị đuổi nếu làm việc trong một công ty, hoặc bị truất phế nếu là một quan chức nhà nước hay một chính trị gia đang nắm một chức vị trong đảng. Đôi khi nó là kết quả của một cuộc thương lượng, mặc cả để giữ thể diện 2 bên - phía đuổi người và người sẽ bị đuổi. Có lúc nó xuất phát từ mục tiêu duy trì sự ổn định của thị trường hay niềm tin chính trị. Nhiều lúc hành động từ chức là cú vớt vát sau cùng để không có vết tì bị đuổi trên CV - Resume - sơ yếu lý lịch. Tóm lại, hành động rời chức vụ, bỏ ghế không tùy thuộc vào thiện chí của kẻ ra đi. Nó là kết quả đương nhiên của một trật tự trong quan hệ quyền hạn mang thuần tính pháp trị, theo những quy luật, quy ước hoạt động. Biến nó thành cái gọi là văn hóa (từ chức) là một việc làm khiên cưỡng. 

    Tại Việt Nam, sau bao nhiêu năm bị cai trị bởi một đảng độc tài, sự sợ hãi đã làm tê liệt mọi ý chí phản kháng của đại khối bị trị. Đa phần dân chúng trong nỗi sợ hãi (dẫn đến tuyệt vọng) đã phải bám vào - hoặc là thiện chí tự đổi thay của kẻ cai trị hay là từ những tranh giành quyền lực để mà tập đoàn cai trị tự đổi thay (!?). Thái độ của nhiều người trong cuộc đấu đá Ba-Tư vừa qua là tấm gương phản chiếu rõ nhất cho điều thứ 2 và sự tiếp đón tương đối nồng nhiệt cho khái niệm "Văn hóa từ chức" là một minh chứng mới cho điều thứ 1. 

    Nếu Quốc Hội là cơ quan quyền lực tối cao, có quyền hạn bãi nhiệm Thủ tướng theo nhưĐiều 84 Hiến pháp thì thay vì áp dụng một nền pháp trị công minh, ông ĐBQH Dương Trung Quốc đã mang "đức trị" qua cái gọi là "văn hóa từ chức" vào nghị trường. Và nhiều người vỗ tay, phụ họa "văn hóa từ chức phải khởi đầu từ Thủ tướng"

    Không! Từ chức, bãi nhiệm không bắt đầu từ cá nhân nào cả. Nó phải bắt đầu từ việc thi hành nghiêm chỉnh vai trò và trách nhiệm của mỗi bộ phận được quy định trong Hiến pháp quốc gia. Nó phải được áp dụng nghiêm khắc lên mọi thành viên - từ những đại biểu quốc hội cho đến Thủ tướng, Chủ tịch nước...

    Và không phải ai cũng không biết điều này. Biết nhưng lờ đi vì bất lực trước một xã hội rừng rú và quyền hạn nằm hết trong tay của một tập đoàn tha hóa, sâu bọ mà chính những kẻ đứng đầu tập đoàn cũng phải thú nhận - thú nhận về những điều mà xã hội đã quá tỏ tường.

    Người dân có thể hoan nghênh thiện chí của ông Dương Trung Quốc đã đại diện nhân dân đặt vấn đề với ông Thủ tướng. Nhưng trong trách nhiệm của Quốc Hội là cơ quan làm luật, sửa đổi luật và giám sát tối cao việc tuân theo luật, thiện chí của ông Quốc thật ra đã làm xấu thêm tình trạng quăng hiến pháp và luật pháp vào thùng rác khi áp dụng cho thành phần lãnh đạo. 

    Và không phải ông Dương Trung Quốc không biết điều này. Nhưng ông lờ đi. 

    Vì đất nước VN ngày hôm nay không phải chỉ có người dân sợ hãi. Chính những kẻ cầm quyền cũng đang sợ hãi nhau. Họ sợ hãi lẫn nhau không còn giống như thời các đảng viên cộng sản Sô Viết sợ trùm Stalin quá tàn bạo. Họ sợ hãi lẫn nhau vì biết chính mình cũng đang là kẻ phạm tội ít nhiều như những tên đồng chí bên cạnh, như tên đồng chí đứng trên kia đang quanh co đạo đức và bề dày cách mạng 51 năm. Nếu đem đặt để con cá kia nằm trên thớt thì tự họ cũng đang cho mình lên thớt.

    Để cai trị lâu dài chế độ độc tài phải tiếp tục duy trì sự sợ hãi bao trùm. Bao trùm tất cả. Từ ngoài dân cho đến trong đảng. Nhưng chưa đủ. Tinh xảo hơn, thâm độc hơn, họ vừa duy trì nỗi sợ hãi vừa tạo ra những loại hy vọng mơ hồ kiểm soát được. Hy vọng có một ông đại biểu sẽ thay đổi guồng máy. Hy vọng ông này đánh ông kia chế độ sẽ sụp. Hy vọng các thành viên của một đảng (đã còng lên đầu dân tộc một thể chế phong kiến cai trị đời đời bằng cái còng số 4 hiến pháp) có cái gọi là văn hóa từ chức. Hy vọng tên tham nhũng gạo cội nhất, tham quyền cố vị nhất mở đầu cho vở kịch không bao giờ kéo màn mang tên văn hóa từ chức.

    Đảng cộng sản VN luôn luôn muốn những người dân đang sợ hãi mang theo trong mình những niềm hy vọng kiểu này. 

    Gieo rắc sợ hãi VÀ ban bố niềm hy-vọng-kiểm-soát-được là vũ khí sắc bén nhất, hiệu quả nhất của chế độ độc tài.